14

Nov

Những năm gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ bạo lực với cán bộ y tế gây xôn xao dư luận. Sau sự việc hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung ở Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái bị đánh bầm dập tại bệnh viện, mới đây Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị cho phép bảo vệ bệnh viện dùng ‘công cụ hỗ trợ’.

Trao đổi với Đất Việt về đề xuất trên của Bộ Y tế, Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Hội đồng Luật sư Toàn Quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, trong các bệnh viện hiện nay đều có lực lượng bảo vệ.

Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ hiện nay hầu như không phải là lực lượng tinh nhuệ, đa số là các bác cao tuổi hoặc đã về hưu. Do đó nếu đánh tay đôi, tay không với những đối tượng gây rối sẽ không hiệu quả.

Do đó, luật sư Tám ủng hộ đề xuất trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ bệnh viện.

”Cá nhân tôi ủng hộ việc lực lượng bảo vệ bệnh viện được trang bị công cụ thô sơ, ví dụ như roi điện (giống như lực lượng cảnh sát). Bản thân nó không phải là loại công cụ gây nguy hiểm cao độ, không gây chết người, nhưng nó có sức mạnh ngăn chặn, khống chế, xử lý tình huống bước đầu.

Trang bị công cụ hỗ trợ không đồng nghĩa với việc coi lực lượng bảo vệ là lực lượng vũ trang hay bán vũ trang, được trang bị các loại vũ khí quân dụng.

Không thể chấp nhận tình trạng bác sĩ vừa chữa bệnh cho người, vừa phải cảnh giác, lo đối phó với người nhà bệnh nhân quá khích.

Theo tôi, lương y như từ mẫu, đa số các bác sĩ là người tốt. Nhưng đôi khi có những bác sĩ tắc trách, để xảy ra tình huống không cấp cứu kịp thời, để lại những hậu quả đáng tiếc, gây bức xúc cho thân nhân người bệnh.

Trong khi đó, người nhà bệnh nhân thì không biết kiềm chế, chưa tìm hiểu nguyên nhân, cứ thấy người nhà mình có chuyện là suy ra bác sĩ cứu chữa không tận tình, rồi tấn công bác sĩ một cách mù quáng, trái pháp luật”, Luật sư Trương Xuân Tám nêu quan điểm.

Vị luật sư nhấn mạnh, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp tấn công bác sĩ để răn đe thì cũng cần phải củng cố lực lượng bảo vệ trong các bệnh viện, đủ tinh thông, đủ sức khỏe.

Bệnh viện không thể kiểm soát việc ra vào quá ngặt nghèo nhưng cũng phải thắt chặt việc thăm nom người bệnh, ra vào khu hoạt động của bác sĩ.

Có ý kiến cho rằng, bảo vệ an ninh trật tự là trách nhiệm, của các ngành hành pháp và tư pháp, chức năng của bệnh viện là cứu chữa người bệnh. Một số nước trên thế giới còn có cả lực lượng công an túc trực tại bệnh viện để đảm bảo an ninh. Do vậy, thay vì trang bị công cụ hỗ trợ cho bảo vệ tại sao không cử lực lượng công an đến bệnh viện?

Bình luận về ý kiến trên, Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, việc điều lực lượng vũ trang tới bệnh viện là không nên. Nó làm phình to bộ máy, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

”Nơi đâu cũng thấy cảnh sát là một đất nước không thanh bình. Chỉ nên có lực lượng bảo vệ giữ gìn trật tự, được tập huấn kỹ càng, để khi xảy ra sự cố có thể xử lý tốt tình huống, bảo vệ các bác sĩ”, ông Tám nói thêm.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan